Danh mục
Trang chủ >> Thuốc đông Y >> Con Rết vị thuốc chống co giật

Con Rết vị thuốc chống co giật

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
13 Tháng Chín, 2022 Thuốc đông Y 199 Lượt xem

Con Rết được dùng trong Đông y như một vị thuốc có tên gọi là Ngô công. Theo Y học cổ truyền, Ngô công có công dụng trị co giật, trị đau đầu, giải độc rắn cắn, đau nhức gân xương do phong thấp…

Con Rết

Bạn hãy cùng Dược sĩ Giảng viên trường Cao đẳng Y Dược Pasteur đi tìm hiểu về công dụng, liều dùng và cách dùng vị thuốc Ngô công này nhé!

1.Mô tả dược liệu Ngô công

  • Tên gọi khác: Con rết, Bá cước, Thiên long, Bách túc trùng.
  • Tên khoa học: Scolopendra subspinipes mutilans
  • Họ: Rết (Scolopendridae)

1. Đặc điểm của con rết

Con Rết (rít) là loài động vật thuộc ngành chân khớp. Cơ thể nhỏ dài 7 – 13 cm.

Thân dẹt, có nhiều đốt, khoảng 20 đốt. các đốt thân gần giống nhau, mỗi đốt mang một cặp chân. số lượng chân của nó khá đa dạng, có từ 20 – 300 chân.

Rết có một đôi râu ngắn. Đầu nó ngắn do 6 – 7 đốt hợp lại. Hai bên đầu có nhiều mắt đơn. Miệng nằm giữa 2 hàm trên. Đôi chân thứ nhất biến đổi thành chân hàm có móc chứa nọc độc, hướng thẳng về phía trước. Ở đầu Rết có cặp kìm trước miệng có chức năng tiết ra nọc độc

Tuyến độc nằm trong góc háng hoặc sâu hơn nữa. Hai đốt ở cuối thường không có chân.

Rết thường có màu nâu đen hoặc màu nâu đỏ.

Rết là loài động vật săn mồi, thức ăn của nó bao gồm chuột, chim, ếch, dơi và thằn lằn. Có phân đực cái rõ ràng, nó sinh sản không thông qua hoạt động giao phối. Đến mùa sản sinh, con đực tạo ra bao tinh rồi để con cái nhặt lấy và tự sinh sản.

2. Bộ phận dùng

Là phần thân con rết được sử dụng làm thuốc.

Nên chọn con có chân đỏ nâu và thân to béo là loại có phẩm chất tốt nhất.

3. Phân bố

Rết có nhiều ở nước ta, thường tìm thấy vùng đất ẩm, phía dưới các hòn đá và thân cây mục nát.

Vị thuốc Ngô công

 2.Thu bắt và bào chế

1. Thu bắt

Thường bắt giữa tháng 4 – 6, sau khi bắt được, dùng thanh tre 2 đầu vót nhọn, cắm vào 2 phần đầu đuôi, buột chặt thẳng phơi khô. Hoặc dùng nước sôi trụng qua trước, sau đó phơi khô hoặc sấy khô.

Để dễ dàng hơn trong việc thu bắt rết, vào mùa đông có thể chôn xương gà, lông gà xuống vùng đất ẩm thấp để thu hút rết sinh sản và đợi đến thời điểm thích hợp rồi thu bắt.

2. Bào chế

– Ngô công: Lau sạch, bỏ đầu đầu chân, khi dùng có thể cắt ngắn ra.

– Ngô công nướng rượu: Cắt bỏ chân, cắt đoạn ngắn, sau khi thấm rượu, lửa nhỏ sấy khô.

Ngoài ra cũng có thể bào chế ngô công theo những cách sau:

  • Đem nướng trực tiếp với lửa, sau đó bỏ chân và đầu rồi dùng.
  • Bỏ đầu, đuôi và chân rồi đem sao cho đến khi chuyển sang màu vàng và có mùi thơm là được. Rồi đem tán thành bột mịn và bảo quản dùng dần.
  • Rửa sạch Rết bằng cách Thả con rết vào chậu nước sạch trong vòng 5 phút để làm sạch bùn đất. Sau đó vớt ra để ráo rồi cho vào lọ thủy tinh ngâm với rượu chứa 60 – 90% ethanol trong 1 tháng là có thể dùng được.

3. Bảo quản:  

Nơi thoáng mát và khô ráo.

3.Thành phần hoá học

Rết có 2 loại nọc độc như nọc độc ong tức giống histamin và chất protid tán huyết trong toàn thân nó. Ngoài ra còn có delta-hydroxylysine taurin, acid amin, lipid. arginine, histidine, ornithine, acid amidan, glycine, lysine, leucine, tyrosine, valine, alenine, oleic acid, palmitic acid, linoleic acid…

4.Tác dụng dược lý

*Vị thuốc: Theo thuốc đông y con Rết phơi khô, bỏ đầu và chân. Kết cấu mỏng manh dễ gãy theo đường nứt. Có mùi hơi khó chịu đặc trưng, có vị hăng cay, hơi mặn, tính ấm, có độc. Quy vào kinh Can.

* Theo Đông Y:

Tác dụng: Chống co giật, thông lạc, chỉ thống, giải độc, tán kết.

Chủ trị: Động kinh, kinh phong mạn, trúng phong, rắn độc cắn, phong thấp tý thống, loa lịch ác sang, sang độc, phong đòn gánh, tề phong, đau đầu kéo dài…

* Theo dược lý hiện đại :

– Chiết xuất nước của Rết làm giảm đáng kể tử vong tế bào và cải thiện động kinh do Trimethyltin (một chất gây độc tế bào thần kinh) gây ra một cách đáng kể.

– Cải thiện bệnh được thấp khớp bằng cách ảnh hưởng đến tỷ lệ tương đối của các tế bào của hệ miễn dịch.

– Có tính kháng khuẩn do các hợp chất được xác định từ Rết đã được báo cáo chống lại vi khuẩn Gram dương và Gram âm, nấm, vi rút và ký sinh trùng,

– Rết ngăn chặn việc sản xuất các yếu tố gây viêm và đẩy nhanh quá trình phục hồi hình thái và chức năng của hệ thần kinh ngoại biên. Do đó, vị thuốc có thể là một ứng cử viên trị liệu hữu ích để chữa trị các bệnh đau thần kinh.

– Tác dụng chống co giật, ức chế được nấm ngoài da và trực khuẩn lao.

– Dùng với liều lớn có thể gây trúng độc. Dấu hiệu nhận biết trúng độc ngô công: Tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, tim đập chậm, bất tỉnh nhân sự, hạ thân nhiệt, hạ áp, …

Ngoài ra dùng dược liệu với liều lượng lớn còn có thể bị suy thận cấp và suy giảm chức năng gan.

5.Công dụng, liều dùng

1. Công dụng

Trừ kinh phong co giật, tiêu độc, giải rắn độc cắn, giảm đau gân xương.

Chủ trị: Trẻ con co giật, uốn ván, mụn nhọt, đau gân xương do phong thấp, rắn độc cắn.

2 Liều dùng

Rết thường được dùng ở dạng sắc hoặc tán bột.

Ngày dùng 3 – 5 g trong các bài thuốc.  Nếu dùng bột thuốc, chỉ nên dùng 0.6- 1g/ lần.

6.Những bài thuốc kinh nghiệm từ Ngô công

1.Chữa trị trẻ nhỏ quấy khóc, chân tay co giật

Dùng Chu sa, ngô công và con bò cạp mỗi vị đồng lượng nhau.

Đem tán bột mịn, dùng 0.5 – 1.5g mỗi lần uống với nước ấm.

2.Chữa trị uốn ván thể nặng

Chuẩn bị: Rết 3 con, Cương tàm, bạch chỉ, chế xuyên ô, chế nam tinh, bán hạ, xuyên khung, phòng phong, cam thảo, đại hoàng, toàn yết, thiên ma và khương hoạt mỗi vị 10g, xác ve (thuyền thoái) 10g, bạch phụ tử 12g.

Đem sắc còn lại 600ml. Rồi dùng thêm chu sa và hổ phách mỗi thứ 3g, tán bột mịn và chia thành 3 bao. Dùng 1 bao mỗi lần uống với 200ml nước sắc, cứ cách 6 – 8 giờ uống 1 lần.

3.Chữa trị trẻ nhỏ cấm khẩu không bú được, đau nhức tê thấp

  • Chuẩn bị: Ngô công và Cam thảo bằng lượng nhau.
  • Đem Tán bột, trộn với hồ làm thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 0.5g, uống 3 lần/ngày.

4.Chữa trị liệt mặt

1 con Ngô công sao vàng, tán nhỏ, và 25g Phòng phong khô.Sắc với 200ml đến khi còn khoảng ¼ uống hết một lần/ngày.

5.Chữa trị lao khớp, lao xương

  • Chuẩn bị: Toàn yết 9g, ngô công 6g, yếm ba ba (thổ miết) 9g.
  • Thực hiện: Tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 3g chưng với trứng gà.

6.Chữa trị mụn nhọt

  • Chuẩn bị: Rết sống 8 phần, muối ăn 2 phần.
  • Đem ngâm với dầu vừng trong 2 tuần rồi dùng dầu thoa lên mụn nhọt, chốc đầu hoặc vết rắn cắn.

7.Chữa trị mụn nhọt sưng đau

  • Chuẩn bị: Ngô công 1 con to và Xạ hương 0.8g
  • Tán bột rồi rắc trực tiếp vào vết thương

8.Chữa trị viêm tinh hoàn

  • Chuẩn bị: Ngô công và Nhục quế đồng lượng
  • Tán trộn đều. Mỗi lần dùng 0.5 – 1g uống với nước ấm, dùng 2 – 3 lần/ngày.
  • Nên dùng sau khi ăn 1 giờ đồng hồ.

9.Chữa trị bệnh trĩ ngoại

  • Chuẩn bị: Ngô công tán bột 0.5g và Bột long não 0.2g.
  • Thực hiện: Hòa bột thuốc với 5ml rượu trắng (25 – 30%),
  • Rồi sau đó dùng hỗn dịch này thoa lên các búi trĩ.

10.Chữa tràng nhạc, lao hạch đã vỡ loét

  • Chuẩn bị: Bột rết và  Bột lá chè xanh bằng lượng nhau.
  • Trộn đều, rồi dùng nước sắc cam thảo rửa sạch vết loét xong rồi rắc bột thuốc lên.

11.Chữa trị chứng trúng phong gây liệt nửa người, co giật và kinh phong ở trẻ em

  • Ngô công 4.5g, Cương tàm 6g, câu đằng 12g, toàn yết 3g, xạ hương 10mg và chu sa 3g.
  • Tán bột, trộn đều, mỗi lần dùng 3g, uống 2 – 3 lần/ngày

12.Chữa trị chứng bại liệt ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: ngô công,  Xuyên tỳ giải, mã tiền tử (sao cát), dâm dương hoắc (chích), tục đoạn, ô xà nhục, đương quy, mộc qua,  ngưu tất, ô tặc cốt, nhục thung dung,  và kim mao cẩu tích mỗi vị 30g, cương tàm và thỏ ty tử mỗi vị 60g.
  • Đem tất cả tán bột mịn, mỗi lần dùng 0.3 – 1g uống với nước sôi ấm. Dùng 3 lần/ngày.

13.Chữa trị cơ thể suy nhược và chân tay yếu

  • Chuẩn bị: Ngô công 5 con, Xuyên sơn giáp, nhũ hương, mã tiền chế, một dược và đương quy mỗi vị 30g, bạch truật và đảng sâm mỗi vị 60g.
  • Đem tán bột mịn và hòa với mật làm thành viên bằng hạt đỗ xanh.
  • Mỗi lần dùng 2 – 4g uống với rượu ấm, dùng 2 lần/ngày.

14.Chữa trị sẹo do bỏng

  • Ngô công 1 con (tán bột), Mật ong 18g, giấm đen 250g và ngũ bội tử 80 – 100g (tán bột mịn).
  • Đem trộn đều thành cao, sau đó phết vào miếng vải đen rồi dán lên vùng bị sẹo.
  • Dùng 3 – 5 ngày thì thay một lần cho đến khi da lành hẳn..

15.Bài thuốc chữa liệt thần kinh mắt, đau nhức, tê thấp, kinh phong, co giật, cấm khẩu

Tán mịn Ngô công, trộn đồng lượng với bột Cam thảo, ngày uống 0,5g chia làm 3 lần. Chú ý khi sử dụng cần phải theo đúng liều lượng quy định của thầy thuốc.

7.Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu ngô công

  • Không dùng cho phụ nữ mang thai, người có cơ thể suy nhược, táo nhiệt, háo khát, trẻ nhỏ bị thiếu máu và người bị kinh giật do huyết hư.
  • Người dị ứng nên thận trọng khi sử dụng dược liệu này.
  • Nên tránh sử dụng cho người mắc bệnh tim nặng, người có tiền sử hen suyễn và thiếu máu tan huyết. Do dược liệu có tác dụng tán huyết, gây liệt cơ tim và ức chế trung khu hô hấp
  • Không dùng quá 3g/ngày và cần thận trọng trong quá trình chế biến – sử dụng thuốc.

Ngô công có độc tính mạnh nên cần thận trọng khi dùng

Tóm lại, Con rết (ngô công) là vị thuốc quý trong Đông Y, là vị thuốc có công dụng trị co giật, tiêu độc, giải độc rắn cắn, trị đau đầu, đau nhức gân xương do phong thấp. …

Theo giảng viên Cao đẳng Dược Hà Nội cho biết: Tuy nhiên dược liệu này chứa độc tính mạnh, vì vậy bạn cần tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng bài thuốc. Tuyệt đối không dùng bài thuốc trong thời gian dài hoặc tự ý hiệu chỉnh liều dùng khi chưa có sự cho phép của thầy thuốc. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng vị thuốc này!

Ds.CKI. Nguyễn Quốc Trung

XEM THÊM: THUOCVIET.EDU.VN

Có thể bạn quan tâm

Các tác dụng đông y cơ bản của phèn chua

Phèn chua là tên gọi dân gian của muối sunfat kali nhôm (kali alum). Phèn …