Danh mục
Trang chủ >> Thuốc đông Y >> Bác sĩ Y học cổ truyền chia sẻ bài thuốc chữa bệnh từ củ mài

Bác sĩ Y học cổ truyền chia sẻ bài thuốc chữa bệnh từ củ mài

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
5 Tháng Sáu, 2021 Thuốc đông Y 150 Lượt xem

Củ mài mặc dù mọc hoang dại nhưng lại được sử dụng rất rộng rãi trong đời sống, có mặt trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tác dụng chính của nó là chữa suy nhược cơ thể, đồng thời bồi bổ ngũ tạng.

Củ mài là dược liệu có mặt trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền từ lâu đời

Tìm hiểu đặc điểm tự nhiên của củ mài

Bác sĩ – Giảng viên Y sĩ Y học cổ truyền cho biết, củ mài là một loại cây dây leo cuốn có phần thân khá nhẵn với màu hơi đỏ hồng. Rễ củ mập, hình trụ, hơi dẹt, dài 30 – 50 cm, có thể đến 1 m, thuôn dần về phía đầu. Vỏ ngoài màu nâu nhạt, thịt màu trắng. Thân nhẵn, hơi có cạnh, màu lục nhạt hoặc đỏ tía, thường mang những củ ngắn, nhỏ ở kẽ lá gọi là dái mài. Lá mọc so le hay mọc đối, có cuống dài 1,5 – 3,5 cm, hình tim, dài 8 – 10 cm, rộng 6 – 8 cm, đầu nhọn, gân lá 5 – 7, tỏa ra từ gốc, hai mặt nhẵn.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm nhiều hoa nhỏ, màu vàng. Hoa đơn tính khác gốc, bao hoa có 6 phiến dài bằng nhau; nhị 6; cụm hoa đực dài 40 cm, cụm hoa cái cong, dài 20 cm. Quả nang có 3 cánh; hạt có cánh mỏng, màu nâu xỉn.

Cây ưa sáng, thường leo trùm lên các loài cây bụi và dây leo khác. Cây có thể chịu được hạn, do có phần củ nằm sâu dưới mặt đất. Củ mài ưa mọc trên các loại đất tơi xốp, dễ thấm nước, như đất feralit đỏ – vàng, vàng – đỏ trên núi hoặc loại đất đỏ bazan ở vùng rừng núi phía tây Quảng Bình và Tây Nguyên.

Củ mài là cây mọc nhanh, phần thân leo thường tàn lụi vào mùa đồng hay mùa khô ở Miền Nam. Cây có hoa đơn tính khác gốc; thụ phấn chủ yếu nhờ gió và côn trùng. Tái sinh tự nhiên bằng hạt. Ngoài ra, cây còn có khả năng tái sinh vô tính bởi các truyền thể (dái mài, thiên hoài) hoặc phần đầu củ.

Củ mài là tên gọi chung một số loài Dioscorea mọc hoang dại, có củ ăn được và cũng được dùng làm thuốc, như: Dioscorea persimilis, D. glabra, D. japonica,…

Tính vị

Dược liệu có vị ngọt, tính bình.

Quy kinh

Quy vào các kinh Tỳ, Vị, Phế, Thận.

Tác dụng dược lý của vị thuốc đông y Củ mài

Theo y học hiện đại

  • Chữa suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể
  • Hỗ trợ tiêu hóa, chữa bệnh khó tiêu
  • Tăng cường tuần hoàn máu
  • Hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường

Theo Đông y

  • Công dụng: Trong Y học cổ truyền củ mài có tác dụng bổ phổi, bổ thận, mạnh tỳ vị, sinh tân dịch, giữ sinh khí.
  • Chủ trị: Tiêu hóa kém, tả lỵ lâu ngày, suy nhược cơ thể, ho lâu ngày yếu mệt, đái rắt, đái tháo miệng khát, di tinh, phụ nữ khí hư.

Có thể dùng củ mài kết hợp với rất nhiều dược liệu khác để chữa bệnh

Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu củ mài

Giảng viên Trung cấp Y học cổ truyền chia sẻ, với nhiều thành phần hữu ích, từ lâu đời củ mài đã góp mặt trong rất nhiều bài thuốc. Cụ thể như:

Chữa kiết lỵ, tiêu chảy lâu ngày do tỳ vị hư nhược

Dùng củ mài, bạch truật, đảng sâm, cam thảo mỗi loại 80g; biển đậu 60g; trần bì, liên nhục, cát cánh, ý dĩ nhân, sa nhân mỗi loại 30g. Tán tất cả các nguyên liệu thành bột mịn sau đó trộn đều lên. Người lớn dùng mỗi lần 8 – 12g, ngày 1 – 3 lần. Trẻ em thì giảm 1/2 liều. Có thể dùng với nước sôi nguội hay đem sắc thành nước uống.

Bài thuốc kiện tỳ tiêu thực, sử dụng cho trẻ em

Dược liệu: 60g củ mài sao vàng, 45g bạch biển đậu sao vàng, 45g sơn trà, 45g mạch nha,  45g đương quy, 45g thần khúc, 30g bạch truật sao vàng, 30g trần bì, 30g sử quân tử, 20g hoàng liên, 20g cam thảo.

Thực hiện: Tất cả dược liệu đã chuẩn bị đem tán thành bột mịn rồi trộn với mật ong và vò thành từng viên cỡ bằng hạt đậu đen. Mỗi lần cho trẻ uống chỉ 3g thuốc, 2 – 3 lần/ngày.

Chữa chứng di tinh nhiều lần

Sử dụng củ mài, phục linh, bạch truật, táo nhân, kim anh, khiếm thực, đảng sâm mỗi loại 12g; viễn chí, ngũ vị tử mỗi loại 6g; cam thảo 4g. Đem sắc nước để uống mỗi ngày.

Bài thuốc chữa suy dinh dưỡng kèm tiêu chảy ở trẻ em

  • Dược liệu: Chuẩn bị 100g củ mài, 100g ý dĩ, 50g phòng đẳng sâm, 50g bạch truật, 100g mạch nha, 25g hạt cau, 25g vỏ quýt.
  • Thực hiện: Đem các dược liệu đã chuẩn bị đi sao vàng rồi tán thành bột mịn và trộn đều. Mỗi ngày cho trẻ uống khoảng từ 15 – 20g bột.

Những lưu ý khi dùng củ mài trong trị bệnh

Vị thuốc đông y củ mài chống chỉ định với những người thấp nhiệt hay đang bị táo bón. Hiện nay, trên thị trường có nhiều nơi đang bày bán củ mài giả được làm từ khoai mì non. Bạn cần chú ý để tránh mua phải hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe trong quá trình sử dụng.

Để có thể sử dụng an toàn và hiệu quả nhất, bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ để nhận lời khuyên.

Có thể bạn quan tâm

Các tác dụng đông y cơ bản của phèn chua

Phèn chua là tên gọi dân gian của muối sunfat kali nhôm (kali alum). Phèn …