Hiện nay nguyên nhân thực sự của bệnh béo phì vẫn chưa được biết rõ ràng. Có công trình nghiên cứu cho rằng bệnh có tính di truyền hay những biến đổi trong gien song tất cả mới chỉ là giả thuyết.
Tuy nhiên, về cơ chế gây béo phì thì khá đơn giản: Đó là sự mất cân bằng giữa lượng chất đưa vào và nhu cầu thực sự của cơ thể. Tình trạng “xổ sữa” của đứa trẻ trong năm đầu có thể coi là một dạng béo phì “sinh lý” đặc biệt. Nguyên nhân chính là lượng chất béo trong một chế độ ăn chỉ có sữa trong đó 50% năng lượng là do chất béo.
- Yếu tố di truyền:
Yếu tố di truyền có vai trò nhất định đối với béo phì. Gia đình có nhiều cá nhân bị béo phì thì nguy cơ béo phì cho những thành viên khác là rất lớn, đặc biệt là những trẻ sinh đôi, sinh ba. Tuy nhiên trên cộng đồng, vai trò của yếu tố di truyền này không lớn. Mặt khác, một gia đình có nhiều thành viên bị béo phì có thể còn liên quan đến chế độ ăn uống chung của toàn hộ gia đình đó.
Nhiều nghiên cứu đã cố gắng xác định xem nguyên nhân của tình trạng béo phì có tính gia đình là do di truyền hay do môi trường. Hiện nay người ta đã có những bằng chứng kết luận rằng: béo phì thường do yếu tố môi trường tác động lên những cá thể có khuynh hướng di truyền. Dinh dưỡng giữ vai trò hàng đầu trong các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến hiện tượng thừa cân – béo phì.
2. Khẩu phần ăn uống:
Khi chế độ ăn cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu, nếp sống làm việc tĩnh lại, ít tiêu hao năng lượng sẽ làm cân nặng cơ thể tăng lên. Nhiều người thường khó kiểm soát chế độ ăn của mình. Các loại thức ăn giàu chất béo thường ngon miệng nên người ta dễ bị ăn quá thừa mà không biết.
Mỡ có độ năng lượng cao gấp 2 lần đường, lại cần ít calo hơn để dự trữ dưới dạng triglycerid, trong khi đó đường cần năng lượng để chuyển thành acid béo tự do trước khi dự trữ. Vì vậy, khẩu phần ăn nhiều mỡ dẫn đến thừa calo và tăng cân.
Các chất sinh năng lượng có trong thức ăn như protein, lipid, glucid trong thức ăn đều chuyển nhanh thành chất béo dự trữ. Như vậy, một khẩu phần không chỉ nhiều chất béo mới gây béo mà ăn quá nhiều tinh bột, đường, đồ ngọt đều gây béo.
3. Rối loạn nội tiết và chuyển hóa:
Những bệnh nhân bị rối loạn nội tiết và chuyển hóa: U vỏ thượng thận, mãn kinh, rối loạn chuyển hóa đường và lipid… sẽ kích thích tạo mô mỡ.
Sự hình thành nhiều mô mỡ trong cơ thể khiến cho sự gia tăng nhu cầu về chất đường, kéo theo gia tăng nhu cầu về insulin, sự gia tăng 2 chất này lại kích thích tạo mô mỡ và hình thành một vòng xoắn bệnh lý, luẩn quẩn rất khó điều trị.
4. Yếu tố tâm lý:
Có 2 hội chứng rối loạn về tâm thần có thể gây nên bệnh béo phì, đó là hội chứng ăn uống vô độ và hội chứng ăn đêm kèm với mất ngủ. Cả hai đều là những yếu tố rất quan trọng gây rối loạn giữa lượng thức ăn đưa vào cơ thể và năng lượng tiêu hao trong quá trình hoạt động, gây ra tích tụ mỡ và tăng trọng.
5. Hoạt động thể lực:
Việc giảm hoạt động thể lực một cách rõ rệt ở một xã hội có nền kinh tế phát triển và tiện nghi như ngày nay cũng là một yếu tố rất đáng kể gây nên bệnh béo phì. Hoạt động thể lực tham gia vào quá trình thiết lập cân bằng giữa năng lượng tiêu hao và năng lượng nạp vào cơ thể do đó có vai trò hết sức quan trọng đối với tình trạng thừa cân – béo phì.
Mặt khác, hoạt động thể lực còn giúp cơ thể chuyển hóa tích cực. Cùng với yếu tố ăn uống, sự gia tăng tỷ lệ béo phì thường đi song song với giảm hoạt động thể lực trong lối sống tĩnh lại.
6. Tổn thương trên não bộ:
Các tổn thương trên bộ não của bệnh nhân, đặc biệt là ở vùng dưới đồi, có thể gây ra bệnh béo phì, dù đây là nguyên nhân rất hiếm gặp.