Ho 4 tuần ở trẻ em và 8 tuần ở người lớn không khỏi gọi là ho mạn tính. Bệnh này gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Tìm ra chính xác nguyên nhân gây ho sẽ giúp điều trị ho mạn tính lâu năm hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho mạn tính
Chia sẻ của bác sĩ, giảng viên Xuân Sang hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho mạn tính rất khó để xác định. Một số nguyên nhân thường thấy như:
Hen suyễn
Một trong những triệu chứng thường gặp của hen suyễn là ho. Trong một số thể hen, ho là triệu chứng chính. Tình trạng ho ở hen suyễn sẽ nghiêm trọng hơn khi trời lạnh, tiếp xúc với một số loại hóa chất hoặc dị nguyên gây dị ứng.
Bệnh đường hô hấp
Viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm cũng có thể dẫn tới triệu chứng ho.
Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh lý này khá phổ biến hiện nay, là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích thích thực quản và có thể gây ho.
Chảy nước mũi
Dịch mũi tiết ra quá nhiều, có thể chảy xuống vùng hầu họng và kích thích gây ho.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân gây ho mạn tính ít gặp hơn là:
- Giãn phế quản.
- Ung thư phổi.
- Viêm xoang.
- Dùng thuốc huyết áp.
- Hít phải dị vật.
Khi nào cần đi khám bác sĩ nếu bị ho?
Khi bị ho kéo dài trên 4 tuần kèm theo các triệu chứng sau thì tốt nhất bạn nên đi thăm khám bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Cụ thể các triệu chứng là:
- Đau họng.
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi.
- Khan tiếng.
- Khó thở.
- Ợ hơi, ợ chua,…
- Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tìm ra chính xác nguyên nhân gây ho cũng như các triệu chứng khác, từ đó có chỉ định điều trị phù hợp.
Điều trị ho mạn tính lâu năm bằng thuốc
Ho kéo dài gây mệt mỏi cho cơ thể, ngoài ra còn ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây nhiều vấn đề sức khỏe khác như chóng mặt, đau đầu, ngất,… Vì thế, việc điều trị ho rất cần thiết, giúp tăng chất lượng cuộc sống.
Để điều trị triệt để ho cần dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Việc sử dụng thuốc nào sẽ cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của dược sĩ tư vấn. Thông thường, các loại thuốc cơ bản được kê đơn là:
Thuốc kháng histamin, thuốc glucocorticoid, thuốc giúp thông mũi nếu nguyên nhân gây ho do dị ứng, chảy nước mũi.
Thuốc điều trị hen nếu nguyên nhân gây ho do hen.
Thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân gây ho là do nhiễm khuẩn.
Thuốc kháng tiết axit nếu nguyên nhân gây ho do trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, nếu ho quá nhiều, người bệnh có thể được chỉ định dùng thêm thuốc giảm ho.
Hỗ trợ điều trị ho mạn tính tại nhà hiệu quả
Ngoài thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ sinh hoạt ở nhà khoa học, chế độ dinh dưỡng đúng cùng kết hợp một số thảo dược tự nhiên cũng giúp giảm tình trạng ho hiệu quả.
Chế độ sinh hoạt
Trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, bạn cần chú ý:
Uống nhiều nước để giúp dịch nhầy ở cổ họng loãng hơn. Ngoài nước lọc, các loại nước bạn có thể bổ sung cho cơ thể là nước ép hoa quả, nước ép rau củ.
Sử dụng máy tạo ẩm để giữ ẩm cho không khí.
Tránh xa khói thuốc lá và các tác nhân có thể gây dị ứng.
Giữ ấm cho cơ thể.
Vệ sinh mũi mũi, họng sạch sẽ hàng ngày.
Hỗ trợ giảm ho bằng các thực phẩm trong nhà bếp
Theo bác sĩ Mai Phương – giảng viên Cao đẳng Dược chia sẻ: Với các thực phẩm quen thuộc sau, bạn có thể sử dụng để hỗ trợ giảm ho hiệu quả:
- Lá hẹ
Hẹ từ xa xưa đã được dùng để hỗ trợ điều trị đái són, di mộng tinh và giảm ho hiệu quả. Sử dụng lá hẹ giảm ho rất đơn giản, bạn có thể áp dụng các cách sau đây:
Lá hẹ hấp đường phèn: uống 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần uống khoảng 2 thìa cà phê.
Canh lá hẹ, chả trứng lá hẹ: bạn có thể nấu canh trứng lá hẹ, chả trứng lá hẹ, ăn 1 tuần khoảng 2 – 3 lần cũng có tác dụng giảm ho rất hiệu quả.
- Diếp cá
Ngoài giảm ho, diếp cá còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống viêm cho cơ thể, được sử dụng như một loại kháng sinh tự nhiên.
Cách sử dụng diếp cá giảm ho rất đơn giản:
Giã nát lá diếp cá, cho nước vo gạo đặc vào rồi đun sôi.
Khi hỗn hợp sôi, đun nhỏ lửa trong 15 phút đến khi lá diếp cá nhừ.
Uống hỗn hợp này khoảng 2 – 3 lần/ngày sẽ giúp giảm ho hiệu quả.
- Húng chanh
Lá húng chanh có vị cay, tính ấm, thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng tiêu đờm, tiêu độc rất tốt. Bạn có thể dùng lá húng chanh để trị ho bằng các cách sau:
Giã nát lá húng chanh, hãm với nước sôi và uống 2 lần/ngày.
Hấp lá húng chanh với đường phèn, uống liên tục 2 lần/ngày cho đến khi hết ho.
- Lá tía tô
Tía tô có tác dụng trị ho rất tốt. Có thể kết hợp cùng các thảo dược khác như hoa khế, hoa đu đủ đực. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần cho lá tía tô, hoa đu đủ đực, đường phèn hấp cách thủy trong khoảng 30 phút, dùng 2 – 3 lần/ngày đến khi hết ho.
- Quả phật thủ
Loại quả này có tác dụng giảm ho rất tốt, đặc biệt là cho trẻ em. Cách làm như sau:
Rửa sạch quả phật thủ, thái thành từng lát mỏng.
Trộn phật thủ với mạch nha và hấp cách thủy khoảng 45 phút.
Để hỗn hợp trong tủ lạnh và dùng dần. Chú ý khi dùng cần hâm ấm để phát huy tối đa tác dụng.