Thuốc colchicin là một loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh gút, vậy thuốc được sử dụng khi nào, thuốc có những tác dụng phụ gì?
- Những dấu hiệu “tố cáo” bạn bị bệnh Gout
- Bật mí cách phòng ngừa bệnh gout bằng những loại nước ép trái cây
- Người bị bệnh viêm khớp nên ăn gì để nhanh khỏi bệnh?
Thuốc colchicin được dùng để điều trị bệnh gút khi nào?
Bệnh gút là gì?
Các chuyên gia cho biết, Bệnh gút (gout) là một dạng của viêm khớp, gây đau, sưng và nóng ở khớp. Đây là bệnh do rối loạn chuyển hóa purin trong thận khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể. Chúng sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân. Bệnh gút xảy ra khi có quá nhiều axit uric tích tụ trong cơ thể, dẫn đến các tinh thể axit uric sắc nhọn lắng đọng lại ở các khớp, thường ở ngón chân cái gây đau, tấy đỏ, sưng, nóng và cứng khớp. Các lớp axit uric lắng đọng (được gọi là sạn urat) trông giống như những cục u dưới da, và có thể gây sỏi thận từ các tinh thể axit uric trong thận.
Thuốc colchicin được dùng để điều trị bệnh gút khi nào?
Các bác sĩ cho biết, khi điều trị bệnh gút, thuốc colchicin được dùng để làm giảm đau trong những đợt gút cấp và dùng để chẩn đoán viêm khớp do gút. Nếu có đáp ứng với trị liệu bằng colchicin thì chứng tỏ là bệnh nhân có tinh thể urat bởi tinh thể này rất khó phát hiện, nhất là khi bệnh nhân chỉ bị ở các khớp nhỏ. Thuốc colchicin cũng được dùng để phòng ngừa việc tái phát viêm khớp do gút và điều trị dài ngày bệnh gút.
Thuốc colchicin còn được sử dụng phối hợp với probenecid để tăng khả năng dự phòng.
Thận trọng khi sử dụng thuốc colchicin
Các Dược sĩ tư vấn khuyến cáo, khi sử dụng thuốc colchicin để điều trị bệnh gút, để đảm bảo an toàn và hiệu quả thì bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng, cách dùng, thời gian dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Lưu ý không sử dụng thuốc colchicin cho các trường hợp: phụ nữ mang thai, bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, những người có nguy cơ bị glôcôm góc hẹp bị bí tiểu
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim, bệnh gan, thận hay bệnh tiêu hóa, bệnh nhân cao tuổi bị suy nhược dễ bị ngộ độc do tích tụ thuốc.
Lưu ý không được tiêm colchicin vào cơ thể theo đường dưới da hay tiêm bắp vì sẽ gây đau nhiều ở chỗ tiêm.
Colchicin được đào thải qua sữa mẹ, tuy chưa có trường hợp trẻ bị ngộ độc qua đường sữa nhưng với những phụ nữ đang cho con bú thì nên uống thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ và cho con bú sau 8 giờ uống thuốc.
Điều trị bệnh gout
Tác dụng phụ của thuốc colchicin như thế nào?
Các Dược sĩ tư vấn cho biết, một số tác dụng phụ hay gặp nhất của thuốc colchicin là buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Trường hợp sử dụng liều cao có thể gây tiêu chảy nặng, chảy máu dạ dày nổi ban, tổn thương thận.
Nếu bệnh nhân khi sử dụng thuốc colchicin mà thấy các triệu chứng như trên thì cần ngừng sử dụng thuốc ngay vì bệnh nhân có thể bị nặng hơn nếu tiếp tục sử dụng. Việc điều trị chỉ được tiếp tục khi bệnh nhân hết các triệu chứng trên (thông thường là sau 24 đến 48 giờ).
Khi bị tiêu chảy do colchicin, bệnh nhân có thể dùng thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc làm chậm nhu động ruột để điều trị tiêu chảy. Nếu điều trị dài ngày, bệnh nhân cần được theo dõi đều đặn xem có gặp phải tác dụng phụ của thuốc hay không. Khi có các tác dụng phụ thì nên ngừng thuốc colchicin hoặc giảm liều.
Ngoài những tác dụng phụ trên, sử dụng thuốc colchicin còn có thể gây viêm thần kinh ngoại biên, rụng tóc, rối loạn về máu (trị liệu dài ngày), giảm tinh trùng (hồi phục được), đây là những tác dụng phụ ít gặp.
Trên đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc colchicin để điều trị bệnh gút. Bệnh nhân có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ tư vấn, sử dụng thuốc cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.
Nguồn: Thuocviet.edu.vn tổng hợp.